Tiểu sử danh tướng Thích Kế Quang
Nhằm tiện cho việc tra cứu, người viết đã thêm phần niên hiệu và liệt kê các sự việc trong cùng năm.
---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Thích Kế Quang (1528 ~ 1588), tự Nguyên Kính, hiệu Nam Đường,
vãn hiệu Mạnh Gia, là người Đăng Châu (nay là Sơn Đông, Bồng Lai), quê ở Định
Nguyên (nay thuộc An Huy). Ông xuất thân là con nhà tướng. Cụ tổ đời thứ 6 của
ông là Thích Tường, sống thời Nguyên mạt Minh sơ, cùng với Chu Nguyên Chương
nam chinh bắc chiến, sau đó chết trận. Để tuyên dương công lao của Thích Tường,
Chu Nguyên Chương đã phong tước Minh uy tướng quân cho con ông là Thích Bân,
cho phép thế tập (nôm na là cha truyền, con nối) chức Chỉ huy thiêm sự của vệ
Đăng Châu; và cũng kể từ đây, gia tộc họ Thích định cư tại Đăng Châu. Đến đời
cha của Thích Kế Quang là Thích Cảnh Thông, bởi có tài năng xuất chúng, nên ông
này được thăng chức từ Đăng Châu vệ chỉ huy thiêm sự lên thẳng tới Đô chỉ huy sứ,
Thần cơ doanh phó tướng.
Thích Kế Quang tuy
gia cảnh bần hàn, nhưng do từ nhỏ đã được phụ thân chỉ bảo, gia đình chú trọng
giáo dưỡng, nên ông rất thích đọc sách. Ông không chỉ am tường các binh pháp, mà
còn nghiên cứu cả các điển tích của Nho gia; bởi vậy người đời sau còn gọi ông
là một “Nho tướng” – tức chỉ người văn võ toàn tài vậy.
Chân dung Thích Kế Quang. |
Năm Gia Tĩnh thứ 23 (1544), Thích Cảnh Thông lâm bệnh nặng, Thích
Kế Quang theo lời cha đến kinh đô để lo quy trình kế chức. Hai năm sau, ông
chính thức nhậm chức Đăng Châu vệ thiêm sự, quản lý việc đồn điển sự vụ của vệ
Đăng Châu. Ông mạnh tay xóa bỏ những hủ tục, tệ nạn, nên được binh sĩ cảm phục,
yêu mến. Những lúc nhàn rỗi, ông vẫn không quên việc học tập.
Năm Gia Tĩnh thứ 25 (1546), trong một quyển binh pháp, ông
viết: “Sách hầu phi ngã ý, đãn nguyện hải ba bình” – Ta không nguyện tước hầu,
chỉ mong bình được sóng biển.
Khi đó, nhà Minh bỏ
trễ việc võ bị, quân đội đương thời nổi tiếng hủ bại, vô năng, thành ra các hiểm
họa từ bên ngoài cứ liên tiếp dồn dập, khiến cho bách tính luôn phải khổ tâm,
lo sợ.
Năm Gia Tĩnh thứ 29 (1550), mùa thu, quân của Yêm Đáp Hãn
người Thát Đát đánh đến sát thành Bắc Kinh. Thích Kế Quang khi đó đã tham gia kỳ
thi võ cử, cùng tham gia hội họp ở kinh thành, nên được giao nhiệm vụ chỉ huy
dân binh thuộc sáu phủ của Sơn Đông, phòng thủ rìa ngoài của kinh thành. Trong
khoảng thời gian này, ông dâng sớ lên vua, tường thuật các đường lối phòng ngự
trước kẻ địch và được các quan viên tán thưởng.
Năm Gia Tĩnh thứ 31 (1552), hải tặc Nhật Bản - bao gồm các
thương nhân, võ sĩ, lãng nhân, được chu cấp bởi các daimayo - đã hợp tác với
các gian dân để xâm phạm, cướp bóc vùng duyên hải phía đông nam của lãnh thổ Đại
Minh.
Năm Gia Tĩnh thứ 32 (1553), Thích Kế Quang được thăng chức Thự đô chỉ huy thiêm
sự, quản lý 35 vệ, sở và 3 doanh của Đăng Châu, Văn Đăng, Tức Mặc, phụ trách việc
phòng chống hải tặc Oa khấu.
Năm Gia Tĩnh thứ 34 (1555), Thích Kế Quang được điều đến Chiết Giang, nhậm chức Chiết Giang đô ty thiêm sự. Năm 1556, đảm nhiệm chức Ninh Thiệu Đài tham tướng, phòng thủ 3 phủ Ninh Ba, Thiệu Hưng, Đài Châu. Lúc đầu, mọi việc không thuận lợi. Quân đội nhà Minh đương thời hủ bại vô năng, binh sĩ không có ý chí chiến đấu. Tuy Thích Kế Quang đã có vài lần đánh thắng quân Oa khấu, nhưng không thể dẹp trừ hoàn toàn.
Năm Gia Tĩnh thứ 36 (1557), Oa khấu xâm nhậm các vùng Thụy
An, Lạc Thanh, Lâm Hải. Thích Kế Quang đem quân tới cứu viện, nhưng bởi địa
hình trắc trở nên không thể tới kịp. Triều đình vì thế cũng không xử tội ông.
Ít lâu sau, bè lũ Uông Trực lại làm loạn ở Sầm Cảng; Thích Kế Quang hội quân
cùng Du Đại Du để tổng tiến công. Nhưng bởi việc binh trì trệ, đánh mãi không hạ,
nên bọn Quang, Du bị triều đình bãi chức, bị đới tội (tức bị xét tội). Quân Oa
khấu nhân đó mà chạy thoát. Từ đây trở đi, ông quyết định tự thân chiêu mộ, huấn
luyện binh sĩ.
Năm Gia Tĩnh thứ 37 (1558), hải tặc Oa khấu tạo thuyền lớn, dự định dùng thuyền để trốn đi vào ban đêm. Đại Du cùng Kế Quang thừa cơ tiến công, nhấn chìm thuyền Oa khấu; dư đảng quân Oa chạy về phía nam Phúc Kiến. Bọn Oa khấu đã thua trận ở Sầm Cảng nay lại đem quân đến Đài Châu để cướp bóc, chém giết. Bọn Cấp sự trung La Gia Thấn hạch tội Quang vì đã để tàn quân Oa ở trận Sầm Cảng bỏ chạy, ngờ rằng hai bên có liên hệ với nhau. Ngay lúc sắp bị trị tội, Kế Quang lại lập công giúp bình định bọn Uông Trực nên được phục chức. Triều đình cho ông trấn thủ 3 quận Đài, Kim, Nghiêm.
Kế Quang thấy rằng binh sĩ thuộc các vệ, sở không hề có kĩ năng, trình độ, mà lại thấy người ở Kim Hóa, Nghĩa Điểu đều thuộc hạng cường tráng, dũng mãnh; nên vào năm Gia Tĩnh thứ 38 (1559), ông đến Nghĩa Điểu, chiêu mộ hơn 4 nghìn nông dân và công nhân, lấy Uyên ương trận làm đội hình cơ bản, rồi từ đó biên chế thành một đội quân, phân phát cho binh lính các loại vũ khí khác nhau. Đội quân này sau đó được gọi là Thích gia quân.
Năm Gia Tĩnh thứ 40 (1561), Oa khấu đại cử tiến công các
vùng Đào Chử, Kỳ Đầu. Thích Kế Quang cứ thủ tại Đào Chử, đại phá quân Oa khấu ở
Long Sơn, rồi đánh thẳng tới Nhạn Môn lĩnh. Sau khi bỏ chạy, quân Oa khấu lại tập
kích Đài Châu; Kế Quang tự tay chém thủ lĩnh Oa khấu, dư đảng Oa khấu thua trận
bèn chạy tán loạn, toàn bộ đều chết đuối ở sông Qua Lăng. Quân Oa ở Kỳ Đầu lại
tiến đánh Đài Châu, bị Kế Quang tận diệt ở Tiên Cư. Thích gia quân bắt sống và
chém đầu hơn 1000 người, thiêu sống hoặc dìm chết vô số Oa khấu, cứu được hơn 1
vạn dân đen bị bắt làm con tin. Kể từ đó, Đài Châu sạch bóng Oa khấu; sử sách gọi
là “Đài Châu đại tiệp”. Thích Kế Quang sau đó thăng chức lên tam đẳng.
Ngay sau đó, quân Oa ở Phúc Kiến, Quảng Đông, Quảng Tây lại
xâm phạm Giang Tây; tổng đốc Hồ Tông Hiến không thể đánh dẹp, bèn cầu viện
Thích Kế Quang. Quân của Kế Quang thắng lớn tại Phường Sào, dư đảng quân Oa chạy
về Kiến Ninh, Kế Quang rút quân về Chiết Giang.
Năm Gia Tĩnh thứ 41 (1562), Oa khấu xâm phạm Phúc Kiến, hội
họp với nhánh quân Oa khác ở các xứ Phúc Ninh, Liên Giang, bước đầu đánh chiếm
các vùng Hưng Hóa, Thọ Ninh, Chính Hòa,… Quân Oa khấu tiến quân từ phía Nam Áo
(thuộc Quảng Đông) hội họp với các nhánh quân Oa ở Phúc Thanh, Trường Lạc để
đánh chiếm sở Huyền Chung, rồi từ đó xâm phạm các vùng Long Nham, Tùng Khê, Đại
Điền, Cổ Điền, Phủ Điền. Tình cảnh của toàn Phúc Kiến như sau: “Phía bắc từ
Phúc Kiến, Phúc Ninh, duyên hải phía Nam cho tới Chương Châu, Tuyền Châu, cảnh
vật tiêu điều trải dài tới nghìn lí, đâu đâu cũng có giặc xâm phạm”. Khi đó,
quân Oa khấu đặt đầu não tại Phong Đầu thuộc Phúc Thanh và Hoành Tự thuộc Ninh
Đức.
Quân Oa khấu thanh thế quảng đại, binh sĩ không dám tiến
đánh; Hồ Tông Hiến vì thế lại gọi Thích Kế Quang đến cứu viện. Thích Kế Quang
đem 6000 quân đến tiếp viện Phúc Kiến, thắng lớn tại Hoành Tự, rồi thừa cơ đánh
thẳng tới Phúc Thanh, Ngưu Điền, Lâm Đôn, tiêu diệt sào huyệt của quân Oa khấu.
Quân Oa thua trận, chạy tới Hưng Hóa. Thích Kế Quang truy đuổi, phá hủy hơn 60
doanh trại và chém đầu vô số quân Oa. Sau khi bình định họa Oa khấu ở Phúc Kiến,
ông lại đem quân về Chiết Giang. Trên đường đi, thấy có một nhóm quân Oa khấu cập
bờ tại Đông doanh, Nam Áo, ông lệnh quân tấn công, lấy được hơn 200 thủ cấp. Hải
tặc Oa ở hai vùng Phúc Kiến, Lưỡng Quảng hầu như đã bị diệt sạch. Tháng 12,
Thích Kế Quang thăng chức Phó tổng binh.
Sau khi Kế Quang quay về Chiết Giang, hải tặc Oa khấu từ
Honshu nổi dậy, tập kích Hưng Hóa, nhưng sau vài tháng vẫn chưa thể đánh hạ
thành trì nơi đây. Lưu Hiển phái 8 người đến Hưng Hóa để đưa tin, nhưng trên đường
bị Oa khấu bắt giết. Quân Oa mặc quần áo sứ giả để dụ người mở cổng thành, nhân
đó chiếm được thành Hưng Hóa. Lưu Hiển nghe tin, bèn đem quân đến thành Hưng
Hóa; nhưng bởi binh ít, nên không dám công thành. Bởi vậy, Lưu Hiển bị triều
đình khảo hạch, phải đãi tội. Tổng binh Phúc Kiến là Đại Du tỏ ý muốn hợp quân,
vây thành Hưng Hóa.
Năm Gia Tĩnh thứ 42 (1563), triều đình phong Đàm Luân làm Hữu
thiêm đô ngự sử, tuần phủ Phúc Kiến, sai Đàm Luân đến chi viện thành Hưng Hóa.
Đô chỉ huy Âu Dương Thâm bị quân Oa mai phục, chết. Quân Oa chiếm vệ Bình Hải.
Tháng 4, Kế Quang đem quân từ Chiết Giang đến chi viện.
Quang vừa đến, Luân đã lập tức sai binh sĩ tổng tiến công, đồng thời đem quân
đi chặn các tuyến đường biển mà Oa khấu có thể dùng để thoái lui. Luân xếp Hiển
làm tả quân, Đại Du làm hữu quân, Luân làm trung quân, Quang làm tiên phong. Hợp
quân đại phá Oa khấu, chém hơn 5 nghìn thủ cấp. Sau đó, bọn Lưu Hiển chiếm lại
thành Hưng Hóa. Triều đình luận công Kế Quang, phong ông làm Đô đốc đồng tri,
Thế âm thiên hộ, thay thế Đại Du làm Tổng binh quan, trấn thủ các vùng từ Phúc
Kiến tới hai phủ Kim Hóa, Ôn Châu thuộc Chiết Giang.
Năm Gia Tĩnh thứ 43 (1564), tháng 2, dư đảng Oa khấu tụ họp
hơn 1 vạn người, vây đánh Tiên Du. Đánh được 3 ngày, Kế Quang đem quân tới giải
vây. Oa khấu thua trận, bị quân Quang truy kích, chém hơn trăm thủ cấp, số nhiều
ngã vách núi mà tử vong. Dư đảng còn hơn 1000 người chiếm lấy Thái Phi lĩnh ở
huyện Chương Phổ. Kế Quang phân quân số thành 5 tiêu, trèo lên núi đá, rồi đọ
đoản khí cùng quân Oa, bắt sống được hơn trăm người. Số quân chạy trốn lại đến
làm loạn ở Phúc Ninh, Kế Quang sai các tướng Lý Siêu đến truy kích, thừa thắng
đánh hẳn đến Vĩnh Ninh, chém chết 300 người.
Cùng năm đó, quân Oa khấu ở Hồ Châu tụ họp hơn 2 vạn, cùng với
hải tặc Ngô Bình tác loạn, làm kinh động bách tính Hồ Châu. Đại Du lãnh quân
đánh bại Oa khấu, chiêu hàng Ngô Bình và cho hắn cư trú tại Mai Lĩnh. Không lâu
sau, Ngô Bình lại tụ họp hơn 1 vạn tàn quân Oa khấu, cùng với Lâm Đạo Càn, Tăng
Nhất Bản đi cướp thôn Cảng Khẩu và thành Nam Thôn. Thích Kế Quang cầm quân vây
khốn sào huyệt của địch. Ngô Bình biết tin, bèn chạy khỏi Mai Lĩnh, chạy xuống
Nam Áo, tiến hành tu bổ việc phòng ngự.
Năm Gia Tĩnh thứ 44 (1565), Đại Du lãnh thủy quân, Kế Quang lãnh bộ quân; cả hai hội quân vây khốn Ngô Bình. Ngô Bình thua trận, chạy vào núi Phượng Hoàng.
Năm Gia Tĩnh thứ 45 (1566), tháng 1, ông kiêm quản hai phủ Huệ Châu, Hồ Châu và việc quân vụ của doanh Thân Uy, cai quản cả một vùng lớn của cả Quảng Đông và Giang Tây.
Từ năm Gia Tĩnh thứ 34 đến năm Gia Tĩnh thứ 45 (1555 ~ 1566), Thích Kế Quang luôn luôn ở tiền tuyến, chiến đầu với hải tặc Oa khấu. Ông tự mình tuyển mộ quân sĩ, tổ chức và huẩn luyện Thích gia quân, phạm vi chiến đấu của ông trải dài khắp Chiết Giang, Phúc Kiến và Quảng Đông. Nạn Oa khấu ở vùng duyên hải Quảng Tây từ đây cơ bản là đã được dẹp yên.
Chống quân Mông Cổ
Từ giữa những năm Gia
Tĩnh trở đi, đất trung nguyên thường xuyên bị quân Mông Cổ xâm lược, lấn
đánh. Quân số Mông Cổ mỗi lần đánh lên tới vài vạn, thậm chí đến 10 vạn.
Năm Gia Tĩnh thứ 38, (1559), quân Mông Cổ đánh cướp Thiên
An, Ngọc Điền, Kế Châu, khiến cho kinh đô phải chấn động một phen.
Năm Gia Tĩnh thứ 42 (1563), quân Mông Cổ lại lần nữa đánh cướp
Thuận Nghĩa, Tam Hà, khiến cho kinh đô phải giới nghiêm.
Bốn năm sau, tức Long Khánh nguyên niên (1567), quân Mông Cổ
tiến đánh Kế Châu, vó ngựa giày xéo khắp vùng Xương Lê, Phủ Ninh, Lạc Đình, Lư
Long, khiến cho bách tính khiếp sợ, tổn thất tiền tài vô xuể.
Cùng năm đó, Cấp sự trung Ngô Thì Lai dâng sớ lên vua Minh Mục
tông, nói rằng Kế môn có nhiều hiểm họa, nên vời bọn Đại Du, Kế Quang đến đó để
huấn luyện các binh sĩ ở biên cương. Sau khi triều nghị, thì vua chỉ cho vời Kế
Quang đến Bắc Kinh. Tháng 2, Thích Kế Quang nhậm chức Thần cơ doanh phó tướng.
Đương thời, Đàm Luân đang chiêu mộ 3 vạn bộ binh ở hai trấn Kế, Liêu, lại chiêu
mộ thêm 3000 sĩ binh ở Chiết Giang. Luân thỉnh cầu vua cho Kế Quang điều luyện
bọn binh sĩ ấy, vua đồng ý.
Năm Vạn Lịch thứ 2 (1574), mùa xuân, Đổng Trường Ngang lại cầm
quân làm loạn ở biên giới nhưng không thể nhập quan. Ngang bức bách chú mình là
Đổng Trường Thốc dẫn quân đi cướp phá tại biên giới. Quân của Thốc bị quân Kế
Quang đánh bại, Trường Thốc bị bắt sống. Đổng Hồ Ly và Đổng Hồ Ngang dẫn hơn
300 người họ hàng đến trước cửa (nhà?) Thích Kế Quang, xin được tạ tội. Đổng Hồ
Ly mặc đồ màu tím, khấu đầu lạy Kế Quang xin khất tội cho Trường Thốc. Kế Quang
hội bàn với bọn Tổng đốc Lưu Ứng Tiết, sau đó sai Phó tướng Sử Thần, La Đoan đến
Hỉ Phong khẩu. Bọn Hồ Ly bái lạy, xin được trao trả những người ở biên giới mà
mình đã bắt đi, rồi góp đao tuyên thệ. Kế Quang cho thả Trường Thốc, sau đó cho
phép cống vật như cũ. Kể từ đó, quân của Thốc và Ngang không dám phạm đến cửa Kế
trấn thêm lần nữa. Không lâu sau đó, vì có công bảo vệ biên giới, Thích Kế
Quang được thăng chức Tả đô đốc.
Thích Kế Quang giữ vững phòng ngự Kế trấn, khiến cho không kẻ
nào có thể xâm phạm, nên chúng lại chuyển hướng tấn công Liêu Đông. Thích Kế
Quang dẫn quân đến tiếp viện cho tướng quân Lý Thành Lương, cả hai hiệp lực đánh
lui quân Mông Cổ, lập nên chiến công. Triều đình nhân việc đó mà phong cho ông
hàm Thái tử thái bảo, sau lại thêm hàm Thiếu bảo. Trong khoảng thời gian ở Kế
trấn, ông đã gom lại các bài thơ của mình thành một tập thơ, đặt tên là “Chỉ chỉ
đường tập”, dựa theo tên thư phòng của mình là Chỉ chỉ đường.
Năm Vạn Lịch thứ 10 (1582), Trương Cư Chính chết bệnh, bị
các thế lực chính trị trong triều đình gán tội, vu khống. Cấp sự trung Trương Đỉnh
Tứ tranh thủ thời cơ, nói với vua rằng không nên đặt Thích Kế Quang ở phía bắc.
Thích Kế Quang sau đó bị điều xuống Quảng Đông nhậm chức Tổng binh. Em trai ông
là Thích Kế Mỹ bị bãi chức.
Năm Vạn Lịch thứ 12 (1584), ông viết xong Kỷ hiệu tân thư bản
14 quyển.
Năm Vạn Lịch thứ 13 (1585), Cấp sự trung Trương Hy Cao lại hạch
tội Thích Kế Quang. Ông dâng sớ xin thoái chức, được vua phê chuẩn.
Năm Vạn Lịch thứ 14 (1586), tháng 10, Thích Kế Quang trở về
cố hương Đăng Châu. Lúc này, Thích Kế Quang lâm trọng bệnh, nhưng gia sản đã thất
tán, đến tiền mua thuốc cũng chẳng có.
Năm Vạn Lịch thứ 15 (1588), tháng 1 ngày 5 (hoặc ngày 17),
danh tướng Thích Kế Quang qua đời trong cảnh cô độc, bần cùng, thọ 60 tuổi.
Comments
Post a Comment